Tại sao nên học những ngôn ngữ lập trình này vào năm 2017?

Tại sao nên học những ngôn ngữ lập trình này vào năm 2017?

02/08/2017  -   by Admin  -   1026

Sau khi tham khảo từ các cuộc khảo sát từ StackOverFlow, kể cả lập trình viên trong nước thì với bản thân mình nhận thấy trong năm 2017, những ngôn ngữ lập trình đáng quan tâm và nên học bao gồm:

1. JavaScript
2. SQL
3. Swift, Java or Kotlin
4. Golang
5. PHP

“Tại sao mình lại chọn những ngôn ngữ này và khuyên các bạn nên quan tâm đến nó? “

1. JavaScript

Tại sao chọn JavaScript?

Không có gì phải bàn cãi về vị thế độc tôn của JavaScript ở thời điểm hiện tại, kể cả trong một vài năm tới. Đây là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong thế giới lập trình, kể cả một lập trình viên BackEnd cũng sử dụng ngôn ngữ này nhiều hơn các ngôn ngữ khác. Vào tháng 6 năm 2015, JavaScript đã chiếm ngôi của Java trở thành tag phổ biến nhất thế giới. Theo một cuộc khảo sát trên StackOverFlow, tổ hợp công nghệ kép thường được sử dụng nhiều nhất là JavaScript và SQL. Trong đó, tổ hợp 3 công nghệ thường thấy nhất là JavaScript, SQL, PHP. JavaScript nổi tiếng đến mức lọt vào tất cả tổ hợp 3-tech được Back-End Developer sử dụng.

JavaScript được sử dụng ở đâu?

  • Thiết kế trang web
  • Có thể sử dụng để xây dựng toàn bộ một trang web nếu sử dụng với NodeJS và MongoDB (database)
  • Phát triển ứng dụng web
  • Phát triển ứng dụng điện thoại Hybrib cho các lập trình viên Web
  • Phát triển game 3D (Unity3D sử dụng JavaScript)
  • Lập trình web phía client

NÓI TÓM LẠI NHỮNG GÌ LIÊN QUAN ĐẾN WEBSITE NÓI CHUNG VÀ FRONT END NÓI RIÊNG ĐỀU SỬ DỤNG JAVASCRIPT.

Sử dụng IDE nào để code JavaScript?

Nói IDE nghe nó lớn lao quá, bạn chỉ cần một Text Editor là có lập trình được với JavaScript.

Atom và Sublime Text là 2 text editor mình khuyên các bạn sử dụng.

  • Atom được phát triển bởi GitHub, một trong những trang web sử dụng JavaScript nhiều nhất. (Trả lời cho bạn nào hỏi GitHub là gì luôn: GitHub là một dịch vụ cung cấp kho lưu trữ mã nguồn Git dựa trên nền web cho các dự án phát triển phần mềm. GitHub cung cấp cả phiên bản trả tiền lẫn miễn phí cho các tài khoản.)
  • Sublime Text là một code editor mạnh mẽ và được đông đảo các web developer, coder, programmer sử dụng và yêu thích. Cung cấp một hiệu suất làm việc với các tính năng rất tuyệt vời.

MÌNH THÌ CHỦ YẾU XÀI ATOM VÌ NÓ TÍCH HỢP GIT VÀ GITHUB.


2. SQL

Tại sao chọn SQL?

Với một lập trình viên thì việc nắm vững ngôn ngữ SQL là một trong những kỹ năng quan trọng mà bạn phải trang bị được. SQL được thiết kế để quản lý dữ liệu trong một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS). Tất cả các DBMS mà bạn đang sử dụng như MySQL, Oracle, SQL Server, PostgreSQL, DB2, MongoDB, Sybase, SQLite… Nói một cách đơn giản rằng SQL dùng để quản lý dữ liệu của bạn. Nó được dùng trong tất cả các ứng dụng cần lưu trữ và xử lý dữ liệu của người dùng.

Hãy nghĩ rằng khi bạn tạo ra một trang web cho phép người dùng đăng ký tài khoản thì bạn sử dụng cái gì để quản lý các tài khoản của người dùng, lúc này SQL sẽ giúp bạn điều đó. SQL ra đời vào những năm 70 và tồn tại tới thời điểm hiện tại, là một trong những ngôn ngữ xử lý dữ liệu phổ biến nhất trên thế giới nên việc soán ngôi SQL bởi một ngôn ngữ khác là điều không dễ gì xảy ra. Vì vậy nắm vững về SQL là một điểm cộng trong mắt người tuyển dụng.

Cũng như JavaScript, SQL dường như có mặt trong toàn bộ bảng xếp hạng về 2-tech và 3-tech trong khảo sát StackOverFlow trong năm 2016 gồm JavaScript & SQL và JavaScript, PHP, và SQL. Xếp thứ 2 (sau JavaScript) về những công nghệ được sử dụng nhiều nhất trong năm 2016.

VỚI THÀNH TÍCH NHƯ VẬY, LIỆU SQL CÓ XỨNG ĐÁNG NẰM Ở VỊ TRÍ THỨ 2 TRONG DANH SÁCH MÌNH ĐỂ CỬ KHÔNG?

SQL được dùng ở đâu?

Ở ĐÂU CÓ DỮ LIỆU, Ở ĐÓ CÓ SQL…

Dùng phần mềm nào để thiết kế database?

Cái này hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ database của dự án mà bạn đang triển khai, ở đây mình sẽ chia ra 3 loại:

  1. Nhỏ: Microsoft Access, SQLite…
  2. Vừa: MySQL, SQL Server Management Studio…phù hợp với các trường đại học.
  3. Lớn: Oracle, DB2 (IBM)…phù hợp với doanh nghiệp lớn như FPT.

THEO MÌNH THÌ NÊN XÀI SQL SERVER MANAGEMENT STUDIO VÌ NÓ TƯƠNG THÍCH HẦU HẾT VỚI CÁC IDE.


3. Swift, Java or Kotlin

3.1. Swift 

Tại sao chọn Swift?

Chỉ mới được Apple cho ra mắt vào năm 2014 và Open Source một năm sau đó, nhưng đến nay ai cũng có thể nhìn nhận được Swift là tương lai của Apple và cả thế giới. Không những là một ngôn ngữ lập trình mạnh mẽ được kế thừa từ 2 người đàn anh là C và Objective-C mà còn rất dễ học, không gây khó khăn cho người mới bắt đầu học lập trình. Nói về hiệu năng và sức mạnh của Swift, mình đã có một bài viết riêng cho nó. Bạn có thể tham khảo tại đây: Tại sao nên học lập trình Swift?

Với những thành công của ngôn ngữ lập trình này, thì không có gì là quá ngạc nhiên khi 2 năm liên tiếp từ khi ra mắt là 2015 và 2016, Swift luôn nằm trong top 3 ngôn ngữ được yêu thích nhất. Vào tháng 12/2015, Swift đã cướp thị phần của người đàn anh là Objective-C để vượt qua ngôn ngữ này trên bảng xếp hạng vote của các ngôn ngữ lập trình. Nói về độ tăng trưởng của Swift, số liệu từ tháng 1/2015 cho đến 1/2016 cho thấy ngôn ngữ này tăng đến 74,6% (chỉ xếp sau Spark và React).

Swift được dùng ở đâu?

Hiện nay, ngoài việc lập trình ứng dụng trên MacOS, iOS, WatchOS, tvOS cho các thiết bị của Apple thì Swift đang có một hướng đi khá thú vị cho Swift là lập trình server, đây đang là một chủ đề khá thú vị cho các lập trình viên BackEnd hoặc những bạn phát triển ứng dụng trên nền tảng Swift mà muốn học thêm BackEnd. Với sức mạnh của mã nguồn mở, bạn chỉ cần chọn một framework ưng ý và triển khai. Mình sẽ có một số bài viết về chủ đề BackEnd với ngôn ngữ Swift.

Sử dụng IDE nào để code Swift?

Điều kiện tiên quyết nếu bạn muốn lập trình Swift thì máy tính của bạn phải có hệ điều hành MacOS (hoặc có thể mua Macbook hoặc iMac).

IDE hiện tại hỗ trợ cho lập trình Swift trên nền tảng MacOS là Xcode. Bạn có thể download nó trên AppStore được tích hợp sẵn trong máy hoặc tải về từ trang chủ Apple (phiên bản mới nhất hiện tại là 8.2.1).


3.2. Java 

Tại sao chọn Java?

Do Google chọn Java để lập trình nền tảng Android nên chúng ta phải chọn Java (haha). Java không có gì quá xa lạ với chúng ta vì JavaScript và Java luôn chia sẻ nhau ở hai vị trí quán quân và á quân trong bảng xếp hạng các ngôn ngữ lập trình phổ biến trong nhiều năm qua, nhưng JavaScript có phần nhỉnh hơn so với ngôn ngữ đến từ Oracle.

Java là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng do Oracle phát triển với phương châm “Write one, run anywhere” nên cũng khá dễ hiểu tại sao Java lại trở thành xu thế trong giới cộng đồng lập trình. Những lý do khiến cho Java không bao giờ hết hot có thể kể đến như:

  • Java là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng
  • Số lượng API Function rất phong phú
  • Thư viện mã nguồn mở
  • Java miễn phí
  • Javadocs hỗ trợ tối đa cho lập trình viên
  • Java là nền tảng độc lập
  • Java có mặt ở khắp mọi nơi

Hiện nay, Android chiếm hơn 75% về thị phần hệ điều hành Smartphone thì chắc hẳn lập trình Android nói riêng và Java nói chung là một con mồi béo bở đối với các lập trình viên chúng ta.

CÓ LẼ ĐỂ NÓI VỀ JAVA THÌ CÓ QUÁ NHIỀU THỨ ĐỂ NÓI VỀ NGÔN NGỮ NÀY, NÓ THẬT SỰ RẤT TUYỆT VỜI.

Java được dùng ở đâu?

Java được sử dụng rất nhiều trong thế giới thực của chúng ta như:

  • Các ứng dụng chạy hệ điều hành Android
  • Ứng dụng trong những dịch vụ tài chính lớn và rất lớn
  • Xây dựng trang web và các trang thương mai điện tử
  • Xây dựng các công cụ lập trình như NetBean, Eclipse cũng như các ứng dụng desktop
  • Trading Application: phần mềm giao diện người dùng cho phép kết nối tới ngân hàng
  • Lập trình nhúng: các thiết bị bạn đang sử dụng hàng ngày như máy giặt, điều hòa hay tủ lạnh…đều sử dụng Java để lập trình phần cứng
  • Công nghệ BigData
  • Java là lựa chọn số một để lập trình hệ thống yêu cầu bảo mật cao

Với từng đó, mình cảm thấy Java hết sức mạnh mẽ và to lớn, bạn có thể học Java và chuyển sang Android hoặc có thể đi theo nhiều hướng mà bạn thích.

Sử dụng IDE nào để code Java và Android?

Để lập trình Java thì các bạn có thể sử dụng NetBean và Eclipse để thực hiện điều đó.

Còn để lập trình Android, chúng ta đã không còn sử dụng Eclipse để lập trình mà thay vào đó là IDE Android Studio do Google phát triển riêng để lập trình Android.

Những IDE này hoàn toàn miễn phí trên trang chủ chính thức.


3.3. Kotlin

Tại sao chọn Kotlin?

Nếu bạn có tìm hiểu thông tin công nghệ và lập trình thì chắc hẳn bạn sẽ biết được vụ kiện tụng giữa Oracle và Google khi Oracle cho rằng Google đã sao chép 11.500 dòng code để đem lên hệ điều hành Android và yêu cầu Google bồi thường 9 tỷ USD. Nhưng hồi tháng 4 năm 2016, Google đã thắng kiện khi luật sư cho rằng Google đã không vi phạm bản quyền và sử dụng hợp lý. Nhưng Oracle họ vẫn kiên quyết giữ quan điểm của mình và sẽ kháng án trên Tòa Án Liên Bang.

Với vụ việc trên, ban lãnh đạo Google họ luôn phải có kế hoạch B để chẳng may nếu thua kiện thì có thể Android sẽ thay đổi hoàn toàn mã nguồn, họ đã từng dự định sử dụng ngôn ngữ Swift của Apple để làm mới Android nhưng trong thời gian đó, chính xác vào ngày 15/2/2016, phiên bản 1.0 của Kotlin được released và nổi lên, giới lập trình viên bắt đầu chú ý về anh chàng lính mới này. (mặc dù JetBrains – công ty phần mềm tạo ra ngôn ngữ lập trình Kotlin đã giới thiệu Kotlin vào năm 2011, nhưng đến 5 năm sau mới released phiên bản đầu tiên).

Kotlin cũng giống như nhiều ngôn ngữ lập trình không phải Java khác, cũng sẽ chạy trên JVM và sử dụng thư viện hiện có của Java. Điều mà Kotlin muốn hướng tới là nó tương thích với Java 100% và lập trình Android là một trong những lĩnh vực quan trọng mà JetBrains muốn hướng tới. Đây là một tin khá vui cho các dev Android. Bạn có thể tham khảo bài viết về ngôn ngữ lập trình Kotlin tại đây: Tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình Kotlin

Các tiêu chí của Kotlin là:

  • Concise (ngắn gọn)
  • Safe (an toàn)
  • Versatile (đa nền tảng)
  • Interoperable (tính tương thích cao)

Kotlin được sử dụng ở đâu?

Nếu bạn đang tìm kiếm một ngôn ngữ cho việc phát triển Android, thì bạn nên thử qua Kotlin. Nó có thể thay thế hoàn toàn hoặc kết hợp cùng với Java trong dự án Android của bạn.

Hiện nay, Kotlin là một thành viên vừa mới gia nhập gia đình ngôn ngữ lập trình nên hiện tại JetBrain chỉ chú trọng vào việc lập trình Android. Nhưng theo tài liệu giới thiệu về Kotlin, ngôn ngữ này còn có thể đảm nhận được các lĩnh vực sau:

  • Lập trình Android
  • Lập trình Web Front End (ví dụ: Industrial Geodetic Systems)
  • Kotlin còn có thể lập trình BackEnd, xử lý dữ liệu và phát triển hệ thống (ví dụ: Prezi.com)

Sử dụng IDE nào để code Kotlin?

Chúng ta có 2 cách để lập trình Kotlin:

  • Cách 1: Sử dụng IDE trực tiếp của JetBrain với tên gọi IntelliJ IDEA. Bạn có thể download bản Community Edition trực tiếp trên trang chủ Kotlin (hỗ trợ Java, Groovy, Scala và Android Development). Còn bản Ultimate bạn phải trả phí (được hỗ trợ thêm Web, Mobile và Enterprise Development). IntelliJ IDEA hỗ trợ cả 3 hệ điều hành là MacOS, Window và Linux.

  •  Cách 2: Bạn có thể cài đặt plugin Kotlin trên IDE Android Studio lập trình Kotlin. Phần hướng dẫn có trong đường dẫn bên trên.

4. Golang

Tại sao chọn Golang?

Golang (còn được gọi là Go) là ngôn ngữ lập trình mới được Google thiết kế và phát triển vào năm 2009, nếu so về tuổi đời của các ngôn ngữ lập trình thì Golang còn khá mới. Go ra đời mang theo nhiều kỳ vọng của Google giúp ngành công nghiệp phần mềm khai thác nền tảng đa lõi của bộ vi xử lý và hoạt động đa nhiệm tốt hơn.

Với các ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng hiện nay như Java, C++ thì khả năng khai thác nền tảng đa lõi của bộ vi xử lý mới là bất khả thi. Chính vì vậy, Google đã đặt nặng vấn đề này và thực hiện hóa thông qua dự án Golang. Không chỉ khai thác nền tảng đa lõi, Go còn được trang bị thêm tính năng “quản lý bộ nhớ trong quá trình hoạt động của phần mềm” giúp các lập trình viên xử lý dễ dàng hơn. Thêm vào đó, tốc độ của Go phải vượt trội và sánh ngang với C và C++.

“Dường như không chỉ có mình tôi nhìn thấy được điều này: Chúng ta thấy được tốc độ phát triển phần cứng nhanh đến mức chóng mặt khiến tốc độ phát triển phần mềm không thể nào bắt kịp chúng, dẫn tới tốc độ xử lý thông tin ngày một chậm dần đi. Những ngôn ngữ lâu đời như C, C++, Java vẫn là một nền tảng vững chắc cho các lập trình viên, nhưng với tuổi đời hơn 40 năm, liệu chúng có thể đứng vững trong cuộc đua này. Vì thế, chúng ta rất cần những ngôn ngữ như Golang để thay đổi cuộc chơi này.”

Tham vọng của Google không chỉ dừng lại ở đó, họ còn muốn đưa Go xây dựng các phần mềm máy chủ và cải tiến tốc độ các dịch vụ của Google như Youtube, công cụ tìm kiếm Google hay Gmail thông qua Golang, tiến tới thay thế hoàn toàn JavaScript. Nhưng đối với mình thì điều này khá khó, vì JavaScript là chàng hiệp sĩ toàn năng, trong mọi cuộc chơi khó có thể thay thế một chiến binh thực thụ như thế và một số dịch vụ, sản phẩm của Google vẫn phải nhờ tới anh chàng này. Chính bản thân Rob Pike – một trong những kỹ sư phần mềm đứng đầu của Google trong dự án còn phải thừa nhận rằng: “Ít nhất thì Go cũng phải tốt hơn JavaScript”.

Từ lúc ra mắt đến này, Golang luôn nằm trong top những ngôn ngữ lập trình được yêu thích nhất và lập trình viên muốn tiếp tục làm việc với ngôn ngữ này cùng với 2 ngôn ngữ Rust và Swift. Nói về ưu điểm của ngôn ngữ này, mình sẽ tổng kết các tính năng vượt trội của Go như:

  • Dễ học: đây cũng là lý do tại sao Golang luôn nằm trong top những ngôn ngữ lập trình được yêu thích nhất
  • Biên dịch ra nhiều nền tảng: Go cũng biên dịch như Java nhưng không như Java phải cần JVM để biên dịch thành, Go biên dịch thành mã máy (Machine code) nên tốc độ rất nhanh và có thể gần đạt tới ngưỡng như C (ngôn ngữ C cũng biên dịch thành mã máy). Chính vì thế, bạn có thể biên dịch trên các hệ điều hành như Mac, Linux, hay Window, sau đó lấy file biên dịch copy lên các hệ điều hành để chạy, giúp quá trình làm việc trở nên nhanh hơn.
  • Concurrency: đây là tính năng được đánh giá là nổi bật nhất trong ngôn ngữ Go. Những ngôn ngữ lập trình khác đều phải phụ thuộc vào khả năng cấp phát tài nguyên của hệ điều hành để có thể chạy Concurrency, nhưng đối với Go thì không. Concurrency trong Go gần giống như Thread, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn tính năng này tại đây: https://www.golang-book.com/books/intro/10.

Nếu bạn là người có khả năng tiếp thu nhanh và muốn tiếp cận các công nghệ mới, thì Golang là điểm đến tiếp theo cho bạn. Đừng mãi quanh quẩn trong vòng an toàn của JavaScript hay Ruby mà kìm hãm sự phát triển của bạn.

Golang được dùng ở đâu?

Golang là một ngôn ngữ lập trình đa mục đích được sử dụng ở rất nhiều mảng khác nhau, có thể kể đến:

  • Xây dựng hệ thống BackEnd
  • Xây dựng các phần mềm máy chủ
  • Xây dựng các công cụ hệ thống
  • Có thể ứng dụng trong lĩnh vực đồ họa, ứng dụng di động…

GOLANG ĐƯỢC MỆNH DANH LÀ NGÔN NGỮ C CỦA THẾ KỶ 21 VỚI ƯU ĐIỂM XỬ LÝ ĐỒNG THỜI.

Sử dụng IDE nào để code Golang?

  • SDK (Software Development Kit)

Để làm việc được với Golang bạn cần có bộ công cụ phát triển phần mềm (hay được gọi là SDK), Go cung cấp các gói SDK tại https://golang.org/dl/, hiện tại Go hỗ trợ các hệ điều hành chính như MacOS, Window, Linux. Nếu bạn không sử dụng 1 trong 3 hệ điều hành này thì bạn cần biên dịch từ bộ mã nguồn. Bạn có thể tham khảo video dưới đây để cài đặt SDK bằng Terminal (Mac).

  • Môi trường phát triển (IDE)

Sau khi cài đặt SDK, bạn có thể download cái công cụ phát triển sau đây để lập trình Golang. Có rất nhiều IDE hoặc Text Editor hỗ trợ ngôn ngữ lập trình này, có thể kể tới:

  1. Atom: được phát triển bởi GitHub, hỗ trợ trên mọi hệ điều hành. Atom hỗ trợ Go với package go-plus.
  2. IntelliJ IDEA: là IDE đa nền tảng thương mại hóa, phiên bản miễn phí có sẵn. Plugin mã nguồn mở Go hỗ trợ sẵn. (mình đã nói tới IDE này ở phần Kotlin).

  3. Sublime Text: trình soạn thảo này đã quá quen thuộc với các lập trình viên chúng ta, hỗ trợ các plugin và tính năng giống IDE.

  4. Visual Studio: công cụ phát triển phần mềm của Microsoft hỗ trợ cho Window và MacOS. Các plugin hỗ trợ Go được tích hợp sẵn trên IDE này.

RIÊNG BẢN THÂN MÌNH THÌ NGÔN NGỮ NÀO MÀ ATOM VÀ SUBLIME HỖ TRỢ THÌ CỨ XÀI 2 ĐỨA NÓ, VỪA NHẸ, HỖ TRỢ NHIỀU PACKAGE VÀ PLUGIN, CỘNG THÊM MÀU ĐẸP CUỐN HÚT CÁC LẬP TRÌNH VIÊN.


5. PHP

Tại sao nên chọn PHP?

Ở vị trí thứ 5 trong những ngôn ngữ lập trình mà mình chọn, thật khó để chọn ra cái tên xứng đáng nhất giữa 2 công nghệ web PHP và NodeJS, chắc hẳn sẽ có nhiều bạn thắc mắc về vấn đề này. Nhưng ở đây mình khó có thể so sánh được trong khi PHP là một ngôn ngữ lập trình còn NodeJS là một platform với sự hỗ trợ của JavaScript, mà ở bài viết này mình đề cập tới ngôn ngữ lập trình. Còn để học được NodeJS thì bạn cần phải biết trước về JavaScript.

Quay lại với câu hỏi trên là tại sao chọn PHP?

PHP là một ngôn ngữ lập trình kịch bản được ra đời vào năm 1995 và đến nay vẫn là một thế lực trong công nghệ Web. Có thể bạn chưa biết những trang web nổi tiếng như Facebook, Wikipedia, Digg, Myspace, WordPress… và hơn 60% các website đều được phát triển dựa trên ngôn ngữ này. Trong các bảng xếp hạng về công nghệ lập trình qua khảo sát của StackOverFlow thì PHP vẫn là một thế lực khi ngôn ngữ này luôn đứng trong top 5 những ngôn ngữ lập trình được sử dụng nhiều nhất trong năm qua. Và các lập trình viên FullStack sử dụng PHP nhiều hơn bất kỳ ngôn ngữ nào.

Sự linh hoạt, tính tiện ích và khả năng mở rộng của PHP đã giúp ngôn ngữ này được nhiều lập trình viên và webmaster đặt niềm tin.

  1. Open Source: với opensource thì chắc chắn tất cả đều miễn phí, có rất nhiều cms được xây dựng bằng PHP mà có thể bạn đã từng nghe tới như WordPress, Joomla, Drupal…
  2. Object Oriented Programing (OOP): PHP là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng được giới thiệu trong phiên bản PHP5 (hiện tại là PHP7). Với hướng đối tượng, bạn rút ngắn thời gian hoàn thành dự án và trau chuốt cho website mình tốt hơn bằng việc khai thác toàn bộ sức mạnh của OOP. Một trong những thành công có thể kể đến Magento – một nền tảng quản lý nội dung trang thương mại điện tử nổi tiếng nhất được sử dụng bởi các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Samsung, Nike, Olympus, Nesle, Lenovo,…
  3. Dễ học: Cấu trúc và câu lệnh của PHP khá giống với Java và C nên các bạn có thể nắm vững PHP trong một thời gian ngắn nếu thực hành nhiều bài tập và dự án nhỏ.
  4. Hỗ trợ tối đa Database: PHP hỗ trợ rất nhiều database có thể kể đến như PostgreSQL, DB2 (IBM), Sybase, MySQL, Oracle…Ngoài ra, PHP còn hỗ trợ chuẩn ODBC – chuẩn kết nối cơ sở dữ liệu mở.
  5. Hỗ trợ nhiều Framework: Laravel, Yii, Phalcon, CakePHP, Zend,…
  6. Cộng đồng PHP rất lớn

PHP được dùng ở đâu?

  • PHP hiện đang được sử dụng ở hơn 80% máy chủ web trên toàn thế giới
  • Tất cả những gì liên quan tới website

Dùng IDE nào để code PHP? 

Chúng ta có thể sử dụng NetBean hoặc PHPStorm để đẩy nhanh quá trình làm việc và hạn chế lỗi xảy ra.


Thắc mắc: Có lẽ đọc tới đây, nhiều bạn sẽ khó lòng chấp nhận rằng PHP có mặt trong danh sách này, dạo gần đây, PHP luôn được nhận được nhiều sự phẩn hồi tiêu cực từ phía những lập trình viên trên StackOver hay Quora. Nhưng họ chỉ nhìn ra những điểm yếu của PHP mà không quan tâm nó đã làm được những gì cho chúng ta. Bạn có bỏ Facebook khi biết anh Mark dùng PHP để code Facebook không? Hay các webmaster không xài nền tảng WordPress nữa khi nó được sử dụng cái ngôn ngữ được xem là “dở hơi” này. Tất cả tùy thuộc vào bạn. 

Ngoài 5 ngôn ngữ lập trình trên, bạn có thể tham khảo những công nghệ rất được ưa chuộng hiện nay như: NodeJS, ReactJS, AngularJS, MongoDB, Machine Learning, Rust (ngôn ngữ được yêu thích nhất năm 2016), Spark và Scala (2 công nghệ có mức lương cao nhất với $125,000).

Lời kết: Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn định hướng về ngành lập trình cũng như có thể đặt mục tiêu dài hạn cho những ngôn ngữ lập trình mà bạn chọn.

Techtalk Via jokecode

CÔNG TY TNHH PHẦN MỀM TÂM PHÁT

  • Trụ sở chính: Thôn Thanh Hà, Xã Nam Sơn, Huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội
  • VPGD:  Số 12 Ngách 814/1 Đường Láng, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Điện thoại:  02432057668
  • Hotline:  0989949123
  • Email:  contact@tamphat.edu.vn
  • Website:  www.tamphat.edu.vn
  • Mã số doanh nghiệp:  0106496878 - Sở kế hoạch và đầu tư TP.Hà Nội - cấp ngày 28/03/2018
Top
zalo